Website Trường THCS Thạch Trung - TP Hà Tĩnh

https://thcsthachtrunghatinh.edu.vn


Dự thảo bộ qui tắc ứng xử của Cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường học

Qui tắc ứng xử nhắm giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên phấn đấu nổ lực rèn luyện phẩm chất đạo đức cho bản thân, phù hợp với nghề dạy học được xã hội tôn vinh, đồng thời Quy định đạo đức nhà giáo còn là cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo hàng năm nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, tích cực học tập không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gương cho người học noi theo, qua đó để xã hội tôn vinh danh dự, để xem xét tặng danh hiệu thi đua như: Giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua, nhà giáo ưu tú...
UBND THÀNH PHỐ HÀ TĨNH
TRƯỜNG THCS THẠCH TRUNG
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
DỰ THẢO
 
QUY TẮC
Ứng xử của cán bộ, giáo viên, nhân viên trường THCS Thạch Trung
(Kèm theo Quyết định số:    QĐ/-THCSTT ngày …..)
_____________________________
 
CHƯƠNG I
Những quy định chung
 
 Điều 1: Căn cứ để đề ra các quy tắc ứng xử của nhà giáo:
1. Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/4/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo;
2. Căn cứ Công văn số 592/KH-PGDĐT ngày 31/10/2018 của phòng GD-ĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo;
3. Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương, ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/ QĐ- BNV ngày 26/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Điều 2 : Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định về xử sự của đội ngũ CB-GV-CNV trường THCS Thạch Trung  trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong quan hệ với đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh học sinh và  trong xã hội.
2. Đối tượng áp dụng là tất cả các thành viên của hội đồng sư phạm trường THCS Thạch Trung  
Điều 3 : Mục đích
1. Quy định các ứng xử của CB-GV-CNV khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ với đồng nghiệp, với học sinh, với phụ huynh học sinh và trong quan hệ xã hội, bao gồm những việc phải làm hoặc không được làm nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực.
2. Là căn cứ để nhà trường xử lý trách nhiệm khi cán bộ, viên chức vi phạm các chuẩn mực đạo đức, xử sự trong thi hành nhiệm vụ và trong các mối quan hệ công tác, đồng thời là căn cứ để đánh giá xếp loại và giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của cán bộ, viên chức.
3. Thực hiện công khai các hoạt động nhiệm vụ, công vụ và các mối quan hệ công tác của cán bộ, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng.
 
CHƯƠNG II
Quy tắc ứng xử
 
           Điều 1. Ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
          Phải tuân thủ và gương mẫu thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng học tập, tu dưỡng và rèn luyện để nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Điều 2. Ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
1. Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên được quy định trong Điều lệ trường trung học cơ sở và các văn bản pháp luật khác có liên quan;
 2. Có thái độ nhiệt tình, nhẹ nhàng, thân ái với học sinh; thận trọng, khách quan, công bằng khi đánh giá nhận xét và cho điểm học sinh; lắng nghe, tôn trọng các ý kiến và hướng dẫn cho học sinh hiểu và thực hiện đúng nội quy quy định của nhà trường;
3. Tận tụy với công việc được giao, có ý thức tổ chức kỷ luật; thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo đúng quy định. Làm hồ sơ, chấm chữa bài, cho điểm kịp thời, chính xác.
4. Không lợi dụng danh nghĩa nhà giáo để thực hiện hành vi trái qui định, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho học sinh và phụ huynh; Tổ chức dạy thêm trái qui định;
5. Không dùng các lời nói, hành động vi phạm nhân phẩm học sinh, không dùng điểm số để trách phạt học sinh khi vi phạm kỷ luật;
6. Trang phục, trang sức khi thực hiện nhiệm vụ phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học, không gây phản cảm và phân tán sự chú ý của người học.
Điều 3. Ứng xử trong tiếp phụ huynh học sinh và nhân dân
1. Thực hiện việc trao đổi  thông tin thường xuyên với gia đình học sinh bằng các hình thức như trao đổi qua sổ liên lạc trực tiếp, bằng điện thoại.
2. Tiếp xúc với phụ huynh học sinh tại nhà trường đúng giờ quy định. Khi giao tiếp qua điện thoại phải xưng tên, đơn vị nơi công tác; trao đổi thông tin ngắn gọn, phải bảo đảm thông tin trao đổi rõ ràng, chính xác.
3. Ứng xử có văn hóa, lắng nghe, tôn trọng khi tiếp phụ huynh, quần chúng nhân dân; hướng dẫn, giải thích cặn kẽ những vấn đề vướng mắc trong quyền hạn của  mình; Kịp thời báo cáo Ban Giám Hiệu những vướng mắc của phụ huynh, quần chúng nhân dân không thuộc quyền hạn của mình để giải quyết.
Điều 4. Ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực trong giáo dục.
1. Tuân thủ các nguyên tắc, qui định của nhà trường, các qui định trong việc ra đề, chấm chữa bài và cho điểm học sinh.
2. Cung cấp thông tin, báo cáo trung thực về các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục nếu phát hiện có các hành vi vi phạm;
3. Không được lợi dụng chức trách, quyền hạn của mình làm mất đoàn kết nội bộ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của học sinh, uy tín của nhà trường;
Điều 5. Ứng xử với cán bộ lãnh đạo, với đồng nghiệp
1. Ban giám hiệu, trưởng các đoàn thể, tổ trưởng phải xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, đạo đức và văn hóa trong nhà trường; nắm bắt kịp thời tâm lý, tôn trọng và phát huy dân chủ, kinh nghiệm, sáng tạo của cán bộ giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ; bảo vệ danh dự chính đáng của cán bộ giáo viên khi có phản ánh, tố cáo không đúng sự thật;
2. Giáo viên nhân viên phải chấp hành quyết định của người lãnh đạo, quản lý; thường xuyên chủ động sáng tạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ được giao; khi thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, nếu có vướng mắc thì báo cáo ngay với Ban Giám hiệu để kịp thời giải quyết;
3. Không được lợi dụng việc góp ý, phê bình làm tổn hại uy tín của cán bộ quản lý, giáo viên, và đồng nghiệp; Ứng xử có văn hóa, tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín chính đáng của đồng nghiệp; hợp tác, phối hợp với đồng nghiệp phải thực sự chân thành, tôn trọng giúp đỡ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Điều 6. Ứng xử với nhân dân nơi cư trú
1. Tích cực tham gia tuyền truyền, phổ biến các mục đích của các cuộc vận động và phong trào thi đua được phát động trong nhà trường.
2. Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tham gia sinh hoạt nơi cư trú, chịu sự giám sát của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân nơi cư trú.
3. Không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi cư trú; không tham gia, xúi giục, kích động, bao che các hành vi trái pháp luật.
 
CHƯƠNG III
Trách nhiệm và tổ chức thực hiện
 
Điều 1 : Trách  nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường
1. Có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tại quy tắc này.
2. Có trách nhiệm vận động các đồng nghiệp thực hiện đúng các quy định tại quy tắc này; khi phát hiện cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường vi phạm quy tắc này phải kịp thời góp ý để họ sửa đổi, đồng thời phản ảnh với Ban giám hiệu.
Điều 2 : Trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường
1. Quán triệt, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quy tắc.
2. Niêm yết công khai Quy tắc.
3. Kiểm tra giám sát việc thực hiện Qui tắc này của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
5. Phê bình, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường.
Điều 3: Quy tắc này có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành
Định kỳ kiểm tra việc thực hiện của các cán bộ, giáo viên, nhân viên; xử lý nghiêm túc kịp thời đúng pháp luật các cá nhân vi phạm Quy tắc này./.
 
   
Nơi nhận:
- BGH;
- Website trường;
- Lưu: VT.
HIỆU TRƯỞNG
 
 
 
 
 
Nguyễn Đình Chiến
 
 

Tác giả bài viết: Đình Chiến

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây