Website Trường THCS Thạch Trung - TP Hà Tĩnh

https://thcsthachtrunghatinh.edu.vn


Bài giới thiệu sách: Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh"

Nhân kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, thư viện nhà trường tổ chức tiết mục giới thiệu cuốn sách" Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh" trong giờ phát thanh 15 phút đầu buổi học.
bìa sách thầy giáo ng tất thành

Kính chào quý thầy cô giáo cùng tất cả các em học sinh!
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần. Bên cạnh những món quà xinh xắn, những bông hoa được chăm chút dành tặng người đứng trên bục giảng, sách là món quà mang nhiều ý nghĩa và cũng là cửa sổ mở ra những chân dung đẹp, những bài học giáo dục quý giá cho chúng ta. Hôm nay thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu đến các em cuốn sách có tựa đề: “ Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh” của tác giả Sơn Tùng. Cuốn sách dày 99 trang, kích thước 13 x 19cm do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.
Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh tái hiện lại quãng thời gian Bác Hồ (khi đó tên là Nguyễn Tất Thành) đi từ Huế vô Nam, hành trình gian nan vượt đèo Cù Mông, Rù Rì, Đèo Cả và dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh (tỉnh Phan Thiết) – trường học do những người yêu nước lập nên. Qua cuốn sách, độc giả sẽ cảm nhận rõ tâm tư, tình cảm của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đất nước đang trong vòng nô lệ, trước nỗi đau đáu của cha “Nước mất! Nhà tan! Đi đi con. Tất Thành! Tất Thành…”
Đặc biệt, cuốn sách tái hiện sinh động hình ảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành với phương pháp dạy học truyền cảm hứng, khai mở cho các em học sinh những hiểu biết về lịch sử dân tộc, tình yêu Tổ quốc, hun đúc ý chí và rèn luyện nhiều kĩ năng trong cuộc sống.
Giáo sư, Tiến sĩ sử học, Nhà giáo ưu tú Mạch Quang Thắng chia sẻ khi đọc tác phẩm: "Bác Hồ là nhà cách mạng, là người đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, trong đó có quãng thời gian là thầy giáo ở trường Dục Thanh (tỉnh Phan Thiết). Truyện này của nhà văn Sơn Tùng kể về quãng thời gian Bác Hồ của chúng ta (lúc đó tên là Nguyễn Tất Thành) từ Huế đi dần vô phía nam. Rồi, trong buổi trời chiều cuối thập niên đầu thế kỉ XX, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành vượt đèo Cù Mông, Rù Rì, Đèo Cả… vô Phan Thiết, dừng chân dạy học mấy tháng.
Bác Hồ đi đây đi đó, làm việc này việc nọ, kể cả làm thầy giáo, có gì đặc biệt đâu - chắc có người nói thế. Nhưng, ta thấy đặc biệt là ở chỗ, cuộc đời Bác Hồ là những chuỗi thời gian nối nhau của việc nuôi chí, rèn đức, luyện tài. Bác Hồ đã trải qua bao năm tháng hoạt động yêu nước, làm cách mạng để trở thành một người có đức dày, tâm lành, trí sáng, có tầm cao, có ý chí dời non lấp biển. Thời gian ở trường Dục Thanh chỉ là một chặng nhỏ của Bác Hồ mà thôi, một chặng "chia chữ" như nhà văn Sơn Tùng đã viết, để rồi mưu việc lớn hơn, như lời người Cha là Cụ Nguyễn Sinh Sắc thúc giục con mình: Nước mất đi tìm Nước… Đi đi con! Tất Thành!
Ngòi bút của nhà văn Sơn Tùng đã viết theo lối móc xích nhau trong mối liên hệ gia đình - quê hương - đất nước. Đọng lại là những tháng ngày dạy học của thầy giáo Nguyễn Tất Thành - thầy dạy theo phương pháp tích cực, khai mở cho các em học sinh ý chí và kĩ năng cuộc sống, làm cho các em thành những người có ích cho xã hội. Chắc nhiều bạn trong chúng ta biết bức thư của Bác Hồ viết vào tháng 9 năm 1945 gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thư, Bác Hồ viết rằng, nền giáo dục của nước ta sau khi giành được độc lập là một nền giáo dục đào tạo học sinh thành những công dân có ích, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em. Bác Hồ còn nhấn mạnh rằng, ngày nay, người Việt Nam cần xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại, làm sao cho Việt Nam theo kịp các nước khác trên thế giới. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.”
Nhà văn Sơn Tùng viết bằng cái tâm sáng, nhiệt thành, ngòi bút đầy xúc cảm, có sức lay động tình nhân ái. Hình như ông viết cho chính ông, để tự cảm nhận, để giãi bày trước khi ông đưa những con chữ văn chương quý giá đến với bạn đọc. Chỉ mấy chục trang viết thôi, nhưng quả thực, nhà văn Sơn Tùng đã tái hiện được quãng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời Bác Hồ".
Cùng với các tác phẩm Búp sen xanh, Bông sen vàng, Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng, cuốn Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, sẽ giúp người đọc hiểu thêm về thời tuổi trẻ của Bác Hồ trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Đọc cuốn sách này, độc giả sẽ thấy rõ tâm tư, tình cảm của thầy giáo Nguyễn Tất Thành khi đất nước đang trong vòng nô lệ, nỗi đau đáu của cha khi “nước mất, nhà tan…” Chỉ mấy chục trang viết thôi, nhưng quả thực, nhà văn Sơn Tùng đã tái hiện được quãng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời Bác Hồ. Ông cũng lần theo những đầu mối ấy đến những nơi Bác Hồ từng sống, học tập, dạy học, làm việc, gặp gỡ những người cùng thời với Bác để thu thập tư liệu một cách trách nhiệm, tình cảm như một người làm công tác khảo cổ.
Hiện cuốn sách nằm ở tủ sách thiếu nhi của thư viện trường. Kính mời các thầy giáo, cô giáo và các em đến tại thư viện để tìm đọc.
Tiết mục giới thiệu sách nhân kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 đến đây kết thúc. Cảm ơn quý thầy cô cùng các em đã chú ý lắng nghe!
 

Tác giả bài viết: Trần Hằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây