Thư viện tổ chức giới thiệu sách nhân kỉ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12

Thứ tư - 08/02/2023 08:38
Vào giờ chào cờ đầu tuần, thư viện đã tổ chức giới thiệu cuốn sách có chủ đề về anh bộ đội cụ Hồ, cuốn sách có tựa đề " Nhật kí Đặng Thùy Trâm", được trình bày bởi bạn Nguyễn Mạnh Tuấn và bạn Nguyễn Ngọc Nhi.
Thư viện tổ chức giới thiệu sách nhân kỉ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt  Nam 22/12
ẢNH BÌA SÁCH ĐẶNG THÙY TRÂM
Ảnh bìa cuốn sách Nhật kí Đặng Thùy Trâm
 
 
Các bạn học sinh thân mến!
Cứ mỗi năm khi đến tháng 12 chúng ta lại háo hức thi đua lập nhiều thành tích để chào mừng Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12. Để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay các thế hệ cha anh đã đổ bao xương máu để bảo vệ và gìn giữ nên độc lập hòa bình cho dân tộc. Trải qua hai cuộc kháng chiến ác liệt chống Mĩ và chống Pháp biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã “xếp bút nghiên lên đường”. Các anh các chị ra đi với tinh thần:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

Khi Tổ quốc cần các thế hệ thanh niên Việt Nam đã sẵn sàng bước vào chiến trường ác liệt nhất, gác lại gia đình bạn bè, bao ước mơ và hoài bão. Các anh, các chị ra đi và rồi hi sinh anh dũng cho sự nghiệp bảo vệ dân tộc. Để có thể vượt qua bao khó khăn, gian khổ trong thời kì chiến tranh, các anh, các chị chỉ biết tự an ủi, tự động viên nhau qua những trang nhật kí. Có rất nhiều cuốn nhật kí của các thanh niên lên đường vào chiến trường làm nhiệm vụ. Những cuốn nhật kí khi được tìm lại, xuất bản thành sách là một ngồn tư liệu quý giá để thế hệ mai sau biết được những khó khăn, gian khổ mà các thế hệ cha anh đã trải qua. Một trong những cuốn nhật kí đặc biệt và được xuất bản nhiều đó là cuốn nhật kí của liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Hôm nay mình rất vinh dự khi được giới thiệu cuốn sách Nhật kí Đặng Thùy Trâm đến với thầy cô giáo và tất cả các bạn.
Cuốn sách có chiều dài 20cm, chiều rộng 13cm được trang trí đơn giản, mộc mạc. Bìa cuốn sách không màu mè chỉ là những gam màu tối như một thước phim lịch sử tua chậm ngày xưa. Trên bìa cuốn sách là những vật dụng thân thuộc của thế hệ thành niên xung phong ngày xưa trong các chiến trường: Một chiếc súng, một cái áo, chiếc bình toong đựng nước và hai vật dụng luôn kề sát đó chính là cuốn nhật kí và chiếc bút mực. Ở một góc nhỏ cuốn sách là hình ảnh liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thùy Trâm với đôi mắt xa xăm nhìn về phía trước. Chỉ một bức ảnh nhỏ thôi nhưng cũng giúp các bạn cảm nhận được phần nào tâm hồn, con người chị để thêm say mê, hứng thú khi đọc cuốn sách.
Lật những trang sách đầu tiên chúng ta sẽ biết về một câu chuyện, câu chuyện phần nào giải thích tại sao đây là cuốn nhật kí có số phận kì lạ và đặc biệt. Hai cuốn nhật kí của liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thùy Trâm vô tình rơi vào những người lính ở bên kia chiến tuyến, được họ gìn giữ và tìm mọi cách để trả về cho gia đình chị. Sau hơn ba thập kỉ lưu lạc, vào dịp kỉ niệm 30 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/04/2005, nó đã trở về với gia đình liệt sĩ. Cuốn nhật kí khi trở về đã được xuất bản tại 20 nước với 16 thứ tiếng.
Liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942 trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Tốt nghiệp đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau ba tháng hành quân vào đến Quảng Ngãi, ở đó chị được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Phổ Đức, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho thương bệnh binh. Đến ngày 22/6/1970 trong một chuyến đi công tác từ vùng núi về đồng bằng chị bị địch phục kích và hy sinh anh dũng khi chưa đầy 28 tuổi đời, 2 năm tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề.
Cuốn nhật kí bắt đầu vào ngày 8 tháng 4 năm 1968. Câu chuyện đầu tiên đã thu hút bạn đọc “Mổ ca ruột thừa trong điều kiện thiếu thốn. Thuốc giảm đau chỉ có vài ống Novocaine nhưng người thương binh trẻ không hề kêu la một tiếng. Anh còn cười động viên mình – nhìn nụ cười gượng trên đôi môi khô vì mệt nhọc, mình thương anh vô cùng…” Cách viết chuyện của chị thật nhẹ nhàng, mộc mạc làm cho người đọc khi lật từng trang sách nhưng đang xem một cuốn phim quay chậm về những năm chị tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt. Một thời kì khói lửa đã hiện lên thật rõ nét qua từng trang nhật kí. Đó là nỗi nhớ nhà, đó là nối nhớ những buổi tối Thủ Đô nhộn nhịp, đó là những niềm vui khi nhận được thư tay, đó cũng là những cuộc chia tay vào chiến trường ác liệt, đó còn là khao khát được tự do, hạnh phúc. Những trang nhật ký của chị thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội, tình yêu Tổ quốc. Hiện lên trong những trang nhật kí còn là hình bóng của chị - đại diện cho bao thế hệ thanh niên thời bấy giờ, luôn yêu thương mọi người, chia sẽ niềm vui với mọi người, đâu với nỗi đâu của người bệnh,chăm sóc thương binh hết lòng. Những dòng nhật kí ngắn gọn mà tha thiết, chứa đựng toàn bộ ý chí bất khuất, kiên cường của người con gái vốn được sinh ra nơi chốn đô thành vậy mà phải sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Cuốn nhật kí đã được khép lại vào ngày 20 tháng 6 năm 1970. Bởi hai ngày sau đó chị đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của địch. Với 322 trang sách, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã khiến người đọc cảm nhận sâu sắc và thấm thía nỗi đau của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh. Chị khao khát đến cháy lòng ngày hòa bình thống nhất Bắc Nam để được về với mẹ, về với Thủ đô thân yêu. Những dòng tâm sự của chị làm cảm động đến thắt lòng và nhắc nhở mỗi chúng ta, thế hệ trẻ hôm nay phải sống thế nào cho xứng đáng với sự hy sinh của họ.
          Các bạn thân mến! cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã trở thành cuốn sách nổi tiếng,không chỉ ở trong nước mà còn đến với nhiều đất nước khác. Đọc cuốn sách để biết được sự hi sinh mất mát lớn lao của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến. Chúng ta là những thế hệ được thừa hưởng cuộc sống hòa bình độc lập, được học tập, sáng tạo đọc cuốn nhật kí để nhắc nhở chúng ta sống có trách nhiệm, là động lực thúc đẩy chúng ta phải cố gắng thật nhiều để đền đáplại công lao mà các thế hệ đi trước đã đem lại cho chúng ta.
          Trong những ngày tháng 12 lịch sử này, mình muốn giới thiệu cuốn sách Nhật kí Đặng Thùy Trâm đến với thầy cô và tất cả các bạn, mong chúng ta hãy một lần đọc cuốn sách để hiểu hơn về những sự hi sinh, sự cố gắng nỗ lực để có được cuộc sống hòa bình hạnh phúc như ngày hôm nay.
Xin cảm ơn quý thầy cô và  các bạn học sinh đã chú ý lắng nghe!
                              
     
 
ảnh học sinh gt sách
Hai bạn Nguyễn Mạnh Tuấn lớp 7B và Nguyễn Ngọc Nhi lớp 9C giới thiệu sách trước giờ chào cờ đầu tuần

 

Tác giả bài viết: Trần Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách ghé thăm88
  • Hôm nay8,373
  • Tháng hiện tại153,356
  • Tổng lượt truy cập2,392,173
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây